Chiều ngày 08/7, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên, Lê Huyền cùng chủ trì Hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp quý II năm 2024. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các Hiệp hội Doanh nghiệp và gần 100 doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi gặp mặt, các doanh nghiệp đã trao đổi thông tin về tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn một số vấn đề như: thủ tục đầu tư các dự án khu đô thị, mở rộng vùng nuôi chim yến, cấp phép xây dựng công trình, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến của các doanh nghiệp, qua đó nhấn mạnh, tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, phát triển; coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh; đồng thời ghi nhận những đóng góp tích cực, tâm huyết, trách nhiệm và đồng hành của các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong sự phát triển của tỉnh và kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2023. Trên cơ sở các kiến nghị của doanh nghiệp, Lãnh đạo UBND tỉnh và Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã trả lời thấu đáo, đầy đủ các nội dung cho doanh nghiệp và giao cho các ngành khẩn trương giải quyết một số kiến nghị còn vướng mắc.
Phát biểu kết luận hội nghị, Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp một số nội dung:
(1) Người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường lắng nghe, giải quyết quyết liệt hơn nữa các vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn của doanh nghiệp; nội dung gì đã rõ, đồng thuận, thuận lợi cho doanh nghiệp và điều kiện quy định pháp luật cho phép thì giải quyết ngay; những nội dung khó, chưa rõ, còn có ý kiến khác nhau các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp giải quyết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các vướng mắc của doanh nghiệp có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước;
(2) Thực hiện xuyên suốt và có trách nhiệm với phương châm đã đề ra là “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời; tuyệt đối không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp;
(3) Tăng cường kết nối và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn lao động có tay nghề, tiếp cận tín dụng ngân hàng;
(4) Bám sát và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển”;
(5) Các doanh nhân tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tăng cường kết nối, chia sẻ, quyết tâm nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tích cực tương tác với các sở, ngành, địa phương để chia sẻ thông tin và phối hợp để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp;
(6) Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và các Hiệp hội ngành nghề phát huy tốt hơn vai trò tập hợp các doanh nhân, doanh nghiệp trong tổ chức của Hội; chủ động phối hợp, đồng hành cùng các sở, ngành, địa phương trong triển khai và thực hiện tốt các nội dung phối hợp theo Quy chế đã được ký kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tổ chức 6 hội nghị và cuộc họp chuyên đề để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất, giá đất, thủ tục đầu tư, khoáng sản, môi trường, lao động,…để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Trong thời gian này, 35 kiến nghị, tập trung các vấn đề về đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường…được tỉnh chỉ đạo giải quyết, quyết liệt, có hiệu quả. Song theo đánh giá của UBND tỉnh Ninh Thuận, tình hình hoạt động doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 6%; số doanh nghiệp quay lại thị trường giảm 22,2%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số vướng mắc của doanh nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm, kéo dài, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư, khoáng sản, điện lực.