Sáng ngày 2/8, UBND tỉnh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo đánh giá và phân tích các nội dung tác động đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, giải pháp nâng cao Chỉ số PCI năm 2024 và những năm tiếp theo. Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, bằng quyết tâm và nổ lực của các sở ngành và cộng động doanh nghiệp, môi trường đầu tư của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục được cải thiện và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, trong năm 2023 chỉ số PCI của Ninh Thuận đạt 69,10 điểm, tăng 3,67 điểm và tăng 19 bậc so với năm 2022, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước và thứ 02/14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung. Chỉ số CPI Ninh Thuận nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của cả nước.
Theo ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Thuận xác định là 1 trong những giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh thời gian qua.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp hàng quý và theo chuyên đề; kịp thời cụ thể hoá Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ, tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư
Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh: Với quan điểm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, Ninh Thuận đã, đang và sẽ đồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, năng lực, làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Quốc Nam cũng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nhân trẻ tiếp tục là cầu nối giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các doanh nhân quan tâm hoạt động chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tại doanh nghiệp, là xu thế tất yếu trong hành trình hội nhập, hợp tác, mở rộng thị trường ra thế giới.
Với quan điểm xuyên suốt “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết, tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp có cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh Ninh Thuận.
Ý kiến phát biểu của một số đại biểu tại Hội thảo:
Đến nay Hiệp hội đã kết nạp được gần 200 Hội viên/DN với nhiều thành phần kinh tế và lĩnh vực khác nhau. Hiệp hội đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt, cà phê DN nhằm kết nối tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất những kiến nghị của các DN hội viên lên các cơ quan chức năng để tham mưu giải quyết. Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh Ninh Thuận có thể coi là kỳ tích, để đạt được thành quả đó là sự đồng hành, chỉ đạo của hệ thống hành chính các cấp, nhất là người đứng đầu, tích cực, quyết liệt trong việc lắng nghe, giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN. Bên cạnh đó cho thấy vai trò cầu nối quan trọng của Hiệp hội trong việc kết nối DN và chính quyền giúp chính quyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của DN và kịp thời giải đáp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN. Trong thời gian tới, các cơ quan, sở, ngành, địa phương cần nắm bắt kịp thời giải quyết những khó khăn, kiến nghị của DN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận đất đai; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh công tác đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, nhất là các công trình giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát, cắt giảm thời gian đăng ký DN từ 40-60% so với quy định; 100% thủ tục đăng ký DN được áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng năm 2023 đạt 80,50% trên tổng số hồ sơ; tích hợp liên thông 1 đầu mối thực hiện 4 quy trình tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã rút ngắn thời gian, chi phí gia nhập thị trường cho DN, không phải đi lại nhiều nơi như trước đây. Để tiếp tục duy trì và cải thiện chỉ số thành Chi phí gia nhập thị trường, trong thời gian đến cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính cho DN; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện thủ tục đăng ký hồ sơ mạng điện tử; nâng cao năng lực, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa của các ngành, địa phương, để thực hiện tốt công tác hỗ trợ DN.
Qua kết quả các chỉ số thành phần PCI Ninh Thuận trong thời gian gần đây, nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận thấy Ninh Thuận có cải thiện tốt về nhiều mặt, nhất là tính tiên phong năng động của chính quyền tỉnh. Đây là chỉ số thành phần hiện Ninh Thuận đang đứng ở vị trí thứ nhất trong cả nước. Qua đó, cho thấy rằng cộng đồng DN đang ghi nhận chính quyền tỉnh đã có những hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng DN trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà họ gặp phải. Đây là một xu hướng khác biệt so với nhiều tỉnh, trên toàn quốc. Vì đa phần kết quả này tại các tỉnh đang có hướng chững lại, đây là một tín hiệu rất tích cực của tỉnh. Về chỉ số gia nhập thị trường, hiện Ninh Thuận cũng đang đứng thứ 2 trên toàn quốc, đây cũng là một chỉ số cho thấy rằng tỉnh đang rất nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; thủ tục đăng ký doanh nghiệp, các thủ tục đăng ký kinh doanh có điều kiện thuận lợi hơn, các khó khăn gia nhập thị trường đã giảm bớt; cải cách hành chính tiếp tục duy trì kết quả ở mức cao.
Trong thời gian tới, Ninh Thuận cần tập trung nỗ lực cải cách ở một số lĩnh vực, tạo niềm tin cho DN về thiết chế pháp lý, giảm thiểu chi phí không chính thức cho DN; tạo thuận lợi hơn nữa cho DN tiếp cận thông tin, kịp thời tiếp cận các văn bản, chính sách. Quan tâm tháo gỡ những khó khăn chủ yếu mà DN Ninh Thuận đang gặp phải như tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn tín dụng, biến động thị trường, chính sách pháp luật, tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp, nhân sự thích hợp; ổn định sử dụng đất, hạ tầng, mặt bằng kinh doanh, đảm bảo thực thi hợp đồng và quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là cần chú trọng nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đẩy thực hành xanh, có chính sách khuyến khách và dịch vụ hỗ trợ DN các ngành sản xuất, kinh doanh xanh.
Tỉnh Bắc Ninh đã cải thiện năng lực cạnh tranh theo hướng bao trùm ở các địa phương; triển khai chuyển đổi kép giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm tạo tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững. Đặc biệt Bắc Ninh có mô hình “Bệnh viện DN trực tuyến”, cử các cán bộ, chuyên gia nắm bắt tình hình, tháo gỡ những khó khăn của DN. Chỉ cần DN tin tưởng gửi tới bất cứ một thông tin nào cũng sẽ được chuyên gia tư vấn cho cách tháo gỡ, hoàn thiện hồ sơ thủ tục. Những DN có kiến nghị, phản ánh cũng sẽ được đảm bảo bí mật về danh tính mà không ngại rằng sẽ bị gây khó dễ.
Đối với Ninh Thuận, thời gian qua đã có nhiều phát triển vượt bậc về KT-XH, năng lực quản trị điều hành được thể hiện qua Chỉ số PCI. Tuy nhiên, quá trình cải cách luôn không có điểm dừng, để duy trì và nâng cao Chỉ số PCI trong thời gian tới, đòi hỏi mỗi năm tỉnh đều phải có những sáng kiến; các sở, ngành đều phải đưa ra ít nhất 3 sáng kiến để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cũng như nâng cao chỉ số cạnh tranh của các cơ quan nhà nước. Trong đó, hướng tới giải quyết các thủ tục hành chính thông qua môi trường mạng, đặc biệt là các hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, cần phát huy năng lực, trách nhiệm của cán bộ, thực thi nghiêm chế độ công vụ, không né tránh đùn đẩy, đặt lợi ích, sự phát triển của DN là sự phát triển chung của tỉnh.